Sách Hà Nội và tôi của Vũ Ngọc Tiến

Thương hiệu: 9 Market | Mã SP: |
130.000₫ 200.000₫
- +

Khuyến mãi cực lớn

Nhà xuất bản: Hội nhà văn

Tác giả: Vũ Ngọc Tiến

Đặt mua được tác giả ký tặng sau trang bìa sách

Freeship toàn quốc

Gọi 0984516313 - 0904060977 để được tư vấn miễn phí

SÁCH VỀ HÀ NỘI CỦA NHÀ VĂN VŨ NGỌC TIẾN

Trân trọng đăng lại bài viết của ông Giám đốc Nxb Hội nhà văn  làm lời tựa cho cuốn "Hà nội Và Tôi" do Nxb của ông ấn hành.

Nhà thơ- họa sĩ Nguyễn Quang Thiều

Khi đọc xong bản thảo cuốn sách HÀ NỘI VÀ TÔI của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, tôi nhận ra: tôi vừa đi một chuyến đi dài dọc đời sống Hà Nội trong gần 100 năm nay. Hay nói chính xác hơn là tôi đã được sống với Hà Nội suốt thời gian dài ấy. HÀ NỘI VÀ TÔI là cuốn sách khác biệt với tất cả những cuốn sách viết về Hà Nội mà tôi từng biết. Khác biệt bởi ba điều: thứ nhất là cấu trúc của cuốn sách, thứ hai là cách chọn lựa và tạo dựng các nhân vật của cuốn sách, và thứ ba là thông điệp và tư tưởng của cuốn sách.

Cấu trúc của cuốn sách được chia làm ba phần, từ "Hoài niệm Thăng Long", đến "Muốn quên một thuở" và cuối cùng là "Trăn trở hôm nay". Cấu trúc ấy đã dựng lên những “cột số” trên chặng đường dài của đời sống Hà Nội. Và mỗi lần đi qua một “cột số”, thú thực rằng nỗi sợ hãi về những vẻ đẹp của Hà Nội, về những giá trị sống đích thực của con người đang bị biến mất mỗi lúc một tăng lên trong tôi. Ba phần của cuốn sách có thể làm thành ba cuốn sách riêng biệt. Nhưng nếu làm như vậy, người đọc sẽ không có được cái nhìn “xuyên thời gian” về Hà Nội, không có được những trải nghiệm giống như một nhân chứng của những biến động trong đời sống của mảnh đất này trải qua những thăng trầm, những biến cố của nó, và như vậy cảm giác về những điều đang xảy ra với Hà Nội giống một lời cảnh báo sẽ mất đi rất nhiều sức mạnh của nó. Và một điều đặc biệt là, nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết về Hà Nội vừa với một thứ văn chương thanh tao, tinh tế, thâm trầm nhưng lại vừa với một thứ văn chương đau đớn và trung thực như một cuốn sách trắng.

"Hoài niệm Thăng Long" đã dựng lên đời sống của người Hà Nội chỉ mới ngót 100 năm trở lại đây. Đấy là một đời sống của những vẻ đẹp hào hoa, tinh tế, sâu sắc, tự trọng và kiêu hãnh. Nhà văn đã dựng lên cuộc đời của những nhân vật bình dị nhưng chứa đựng trong những cuộc đời đó là vẻ đẹp văn hóa và đạo làm người.

Có một điều vừa làm tôi thấy đau đớn vừa làm tôi phải suy ngẫm rất nhiều. Khi những người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung sống dưới thời Pháp thuộc, một cuộc sống nô lệ, thì nhân cách của con người Việt Nam lại không chịu làm nô lệ. Thế mà khi làm người của một đất nước độc lập thì nhân cách ấy lại bị làm nô lệ cho đồng tiền, cho chủ nghĩa thực dụng và làm nô lệ cho những kẻ mạnh. Câu chuyện về doanh nhân Mỹ Bảo là một ví dụ đầy tính tư tưởng của nhà văn. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết: “Có lần người Pháp mời ông (doanh nhân Mỹ Bảo) làm Đốc lý văn phòng công thương ở phủ Toàn quyền, ông từ tốn đáp: “Người họ Nguyễn Quý ở đất Thăng Long chỉ buôn bán với người Pháp chứ không làm quan cho nước Pháp.” Làm quan cho nước Pháp hay làm quan cho bất cứ thế lực ngoại bang nào nghĩa là quỳ gối làm nô lệ, nghĩa là gián tiếp phản bội Tổ quốc mình. Câu chuyện về doanh nhân Mỹ Bảo là câu chuyện của một Hà Nội xưa, của một thời đại khác nhưng thông điệp đầy tính tư tưởng của câu chuyện mà nhà văn đã gửi cho người đọc đang là một vấn đề hệ trọng của chúng ta hiện nay. Đất nước chúng ta đang thực sự đối mặt với một câu hỏi lớn: làm thế nào mà Việt Nam vẫn hợp tác với các nước lớn trên thế giới mà không trở thành nô lệ của họ trong mọi nghĩa?

Chỉ thông qua không nhiều các nhân vật trong "Hoài niệm Thăng Long", nhưng nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã dựng lên hồn cốt của con người đất Thăng Long. Các nhân vật được chọn lựa như những hình mẫu tiêu biểu cho người Hà Nội một thuở. Cho dù thời cuộc biến đổi và cuộc sống của những nhân vật trong cuốn sách gặp quá nhiều thách thức và khó khăn, nhưng những hào hoa, thanh lịch và nhân cách của người Hà Nội không thay đổi. Đấy chính là điều đã làm nên mảnh đất kinh kỳ này. Bởi thế mà giờ đây khi đọc những trang viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, lòng tôi chua xót trước những đổi thay của lòng người, những vẻ đẹp của mảnh đất kinh kỳ này đang ngày một rời xa và thay vào đó là một lối sống ô trọc, thực dụng và xa lạ. Một ví dụ vô cùng ấn tượng chính là bà Mẹ nhà văn. Cụ từ một người kinh doanh thành đạt “mẹ góp tiền, vàng vào ngân khố quốc gia năm Ất Dậu và cả vạn tiền Đông Dương mẹ bỏ ra cho bố mua công trái kháng chiến để Chính phủ đánh Tây” nhưng do thời thế thay đổi mà trở nên nghèo khó. Nhưng phẩm cách của người Mẹ ấy vẫn chẳng hề thay đổi. Mẹ không đòi lại những gì đã dâng hiến, mẹ không hận thù những ai đã đẩy cuộc đời của Mẹ và gia đình mình sang một phía khác. Mẹ không phải là một cá nhân. Mẹ là đại diện cho những người dân thuở ấy. Đó là lòng tự trọng, sự nhẫn nại, tình yêu thương, lòng vị tha… Hoài niệm của nhà văn không chỉ để nhớ về những người của Hà Nội xưa đã khuất. Mà sâu thẳm hơn là nỗi đau đớn và tiếc nuối của nhà văn về những vẻ đẹp thực sự của một Hà Nội đã và đang mờ dần trong đời sống hôm nay.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến làm sống lại phong vị của đời sống và văn hóa Hà Nội thuở trước. Nói về người Hà Nội, có một bài mang cảm giác như lạc ra khỏi hệ thống những chân dung người Hà Nội nhưng lại đậm chất Hà Nội. Đó là bài nói về cách chơi hoa. Chỉ cách bàn về lan của nhà văn thôi cũng thấy vẻ đẹp tâm hồn và phong cách người Hà Nội hiện ra theo vẻ đẹp của những bông hoa lan. Đây là những áng văn vô cùng tinh tế, huyền ảo và sâu thẳm. Đó chính là văn chương. Văn chương không phải là một luận đề đầy chữ nghĩa nhưng vô cảm và không mang chút nào hơi thở của đời sống mà nhà văn sống trong đó. Phần viết về một người tìm hoa trong rác không phải là một câu chuyện thông thường nữa, đó là một biểu tượng, một cách sống, một chân lý. Và biểu tượng ấy, cách sống ấy và chân lý ấy không phải đến từ một vĩ nhân hay một nhân vật đặc biệt nào đó mà đến từ một người “nhặt rác”. Hãy nghe ông ấy nói: “Ông không bán, chỉ đem cho bạn bè thôi. Năm nào cũng vậy, vào lúc xuân về, trong nhà ông có cả một vườn “cây hoa rác”. Vất vả tìm hoa trong rác, rồi lại mất công làm nó sống lại mà đem bán ngoài chợ thì uổng công lắm, cháu ơi! Cứu được cái đẹp khỏi bị ruồng rẫy thì nhọc công và tự làm khổ mình, nhưng làm được thì ông sung sướng lắm cháu ạ! Khà… khà…” Khi đọc câu chuyện về người bới rác tìm hoa này, quả thực tôi vừa bị cuốn hút vừa mang một nỗi sợ không biết câu chuyện sẽ đi về đâu. Mang một người “nhặt rác’’ với một công việc “rác” để nói về Hà Nội hào hoa và tinh tế quả thực như đang đi sát mép vực. Nhưng nhà văn Vũ Ngọc Tiến đang dắt tôi đi qua nỗi sợ hãi ấy bằng một cách viết tài tình, một cảm xúc rực nóng và một chân lý sâu sắc nằm dưới một câu chuyện bình dị đến không tưởng.

"Muốn quên một thuở" là một Hà Nội khác hiện lên sống động và ám ảnh vô cùng dưới cách nhìn của nhà văn Vũ Ngọc Tiến. Yêu Hà Nội bao nhiêu thì ngòi bút của nhà văn trung thực, đau đớn và thương cảm bấy nhiêu. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến dựng lên một Hà Nội trong những vùng sáng của những vẻ đẹp của văn hóa và nhân cách của con người nơi mảnh đất ngàn năm văn vật này, ông cũng dựng lên một Hà Nội của những mảng tối trong đời sống. Trong một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, tinh tế, sâu sắc có một Hà Nội tăm tối, mệt mỏi, mưu mẹo, vô định như bà Tuyết Phe, Bôn Tây, Tâm Sứt, họa sĩ VP… Số phận bà Tuyết Phe bi thương và chua xót. Nhà văn dựng lên những số phận như vậy với đầy cảm thông và thương xót. Ông đau đớn vì có những kiếp người, có những câu chuyện như thế trong đời sống. Nhưng tôi không nhìn thấy sự khinh bỉ của ông. Đấy chính là lương tâm của nhà văn và đấy chính là phẩm chất của văn chương và nghệ thuật. Ông đi qua những số phận ấy với nỗi đau cuộc đời, với những dằn vặt của lương tâm. Ông hiểu cuộc sống là như vậy nhưng ông muốn những câu chuyện buồn ấy chỉ là những chuyện của quá khứ. Và ông dựng lên những số phận đó như một thông điệp, như một lời cảnh báo.

Nhưng đến phần ba cuốn sách - "Trăn trở hôm nay" - thì những dày vò, suy tư, sợ hãi và nhiều câu hỏi cho một xã hội đang rối loạn và lạc đường giữa đồng tiền và nhân phẩm đã hiện ra như những hồi chuông cảnh báo cấp bách. Hà Nội hiện đại hơn, giàu có hơn nhưng trong sự hiện đại và giàu có đó, văn hóa đang chết và nhân cách con người đang sụp đổ. Đến phần ba của cuốn sách thì những gì đã làm nên mảnh đất kinh kỳ như ở phần một cuốn sách - Hoài niệm Thăng Long - đã và đang dần dần biến mất cả vẻ đẹp bên ngoài là thiên nhiên, kiến trúc của Hà Nội và cả phần bên trong là văn hóa và nhân cách của con người Hà Nội.

Tình yêu Hà Nội của nhà văn Vũ Ngọc Tiến làm cho mỗi người đọc có thể thức tỉnh để yêu cái nơi mình sinh ra và lớn lên cho dù đó là ở đâu, miền núi, nông thôn hay thành thị, và cho dù nó ở trong hoàn cảnh nào: đói rét, bất công, khổ đau, thì vẫn phải yêu lấy nơi chốn ấy. Nếu không con người sẽ chẳng còn gì mà nương tựa. Nhưng tình yêu nơi chốn của mỗi con người phải cùng với sự nhận ra những gì đang có nguy cơ hủy hoại nó và dũng cảm đặt ra những câu hỏi chất vấn chính cá nhân mình và chất vấn cả thời đại của mình.

HÀ NỘI VÀ TÔI thực sự là một cuốn sách quý và quan trọng. Đó là 24 câu chuyện trung thực về những con người đã và đang sống trong chính mảnh đất này, nhưng bằng một cái nhìn khác biệt cùng với những phần sáng tạo nhuần nhuyễn, tác giả đã làm cho người đọc thấy hiện lên một Hà Nội trong chiều sâu của cảm xúc và tư tưởng. Cuốn sách sẽ làm thức tỉnh những con người đang rời xa những vẻ đẹp đã làm nên Hà Nội nói riêng và làm nên xứ sở này nói chung. Con người đang nối nhau như một sự mù lòa lao vào cái vực sâu của chủ nghĩa thực dụng. Khi đọc HÀ NỘI VÀ TÔI của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, tôi nhận ra một ý nghĩa khác về chủ nghĩa thực dụng trong đời sống đương đại. Đó chính là chủ nghĩa thực dụng trong cả những trang viết, nơi mà như bản chất của văn chương phải là trung thực, là cảm hứng sống, là lòng quả cảm và tư tưởng của người viết. Đó chính là sự băng hoại của nhân cách của không ít trí thức, nhân cách của người cầm bút. Chính vì điều đó mà tôi càng trân trọng những trang viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến không chỉ ở trong cuốn sách này. Cuốn sách này chỉ là sự tiếp tục những gì ông đã lên tiếng về sự suy tàn những vẻ đẹp đời sống và kêu gọi phục sinh những vẻ đẹp ấy. Và lúc này, tôi như nghe thấy một lời vang lên khi gấp bản thảo cuốn sách lại: Chúng ta thực sự phải làm lại, phải “sắp xếp’’ lại ngôi nhà văn hóa và giáo dục của chúng ta.

Thị xã Hà Đông, tháng 04 năm 2020

NQT

Một số ý kiến của các nhà phê bình và độc giả

Lời bình của nhà văn Nguyễn Hiếu

      HÀ NỘI VÀ TÔI - MỘT TÌNH YÊU VỚI THĂNG TRẦM HÀ THÀNH

Với tư cách là một nhà văn Hà Nội, khi nghe tin Vũ Ngọc Tiến - nhà văn kẻ Bưởi xấp xỉ lứa tuổi tôi, cùng từng là học trò trường cấp 3 Xuân Đỉnh nổi tiếng một thời - úp mở trên trang mạng thông báo cuốn sách về Hà Nội có cái tên được viết theo đầu đề một ca khúc hay về Hà Nội sắp ra đời tôi rất mong đợi. 

 Nguyên nhân mong đợi của tôi có mấy lý do. Trong số hơn một chục tác phẩm đã xuất bản của Vũ Ngọc Tiến tôi đã tiếp xúc với hai tiểu thuyết lịch sử in gần đây nhất của ông. Đó là cuốn “Quỷ vương” tôi đọc một mạch, và cuốn “Kẻ sĩ thời loạn” thì đọc hơi chậm và cũng không hết. Duyên do của sự nửa chừng khi đọc “Kẻ sĩ…” bởi thấy thủ pháp đồng hiện trong tiểu thuyết này có phần lặp lại cuốn “Quỷ Vương” (trong tiềm thức nghệ thuật, tôi ưa sự sáng tạo, làm mới ở từng tác phẩm) và tốc độ văn của cuốn này do Vũ Ngọc Tiến viết kĩ - một cách viết cẩn trọng, chỉn chu đã thành nếp của ông - chậm không còn hấp dẫn tôi như ở “Quỷ vương”. Bởi thế nên tôi rất chờ “Hà Nội và tôi” xem có sức lôi kéo kẻ đọc có đôi chút nghề như tôi không? Điều thứ hai, nghe tên cuốn sách phiếm chỉ đích danh nội dung tác phẩm chỉ khoanh lại về thành phố quê hương, tôi đã háo hức bởi lẽ, có dễ trên dưới hai thập niên qua tác phẩm văn học nghệ thuật về Hà Nội đích thực quá vắng bóng trên văn đàn, sân khấu và cả điện ảnh. Trong văn học có lẽ sau cuốn “Lặng lẽ cuối cùng” của tôi được NXB Lao Động phát hành năm 2007 mà cố nhà văn Xuân Đức trong bài viết “Thấp thoáng Nguyễn Hiếu” đã ghi nhận: “Với tiểu thuyết Lặng lẽ cuối cùng, Nguyễn Hiếu đã phơi bày giữa ban ngày những khát vọng có thật… Với chất văn của Nguyễn Hiếu… anh vẫn là một con người Hà Nội không pha trộn. Cái chất tinh tế Hà Thành đã trở thành máu của anh, không lẫn được”. Còn tiểu thuyết “Tình nhân” của tôi được NXB Hà Nội in năm 2009 mà Nhà thơ Lê Huy Quang trong lời tựa cho rằng “đây là một phòng triển lãm các tính cách con người Hà Nội một thủa” thì tôi chưa được đọc một tác phẩm nào đích thực về Hà Thành đương đại. Chính vì thế nên tôi phải thốt lên câu hỏi trong một bài báo in trên ấn phẩm Tinh Hoa của Báo Đại Đoàn kết xuân Canh Tý vừa rồi: “Vì sao chất Hà Thành gần đây nhạt trong sáng tác văn học ?”

Trở lại cuốn “Hà Nội và tôi”, đọc gần như liền một mạch bởi sự cuốn hút khó cưỡng của nó, tôi chợt nhận ra, đây là tác phẩm kén người đọc. 

Trong cả ba phần của cuốn sách từ “Hoài niệm Thăng Long”, “Muốn quên một thủa” đến “Trăn trở hôm nay” được tác giả xếp đặt khá hợp lý theo đề tựa từng phần và qua mỗi bài, mỗi chương mục có sự bổ sung cho nhau tạo ra một thể thống nhất cho một tác phẩm truyện và kí đủ sức lôi cuốn người đọc ở lứa tuổi chí ít từ ngoại ngũ thập trở lên, và chí ít đã sống ở Hà Nội trên dưới nửa thế kỉ. Tiêu chuẩn người đọc nếu được phiếm chỉ như vậy thì tôi hội tụ đủ. Chính vì vậy “Hà Nội và tôi” đã khiến tôi mê mải đọc tác phẩm này từ khi mở trang cho đến hết.

Đọc “Hà Nội và tôi”, những độc giả kiểu như tôi sẽ thấy lại một khung cảnh, những loại người Hà Nội, những đức tính, tập tục làm nên cốt cách hào hoa, thanh lịch, tự tại và an nhiên của một Hà Nội nền nã, có học vấn, biết thương yêu và hòa đồng, thông cảm giữa người với người, giữa cá nhân với làng xóm, phố phường. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến là người kẻ Bưởi, nơi mà có tuyến tàu điện trong năm tuyến tàu điện người Pháp mở ra khi định biến Hà Nội thành thủ đô Đông Dương từ đầu thế kỉ 20 đã khiến đất Bưởi trở thành gạch nối hữu cơ giữa nội thành là những phố phường, buôn bán sầm uất cùng đủ thứ nhộn nhạo và loại người làm nên một đô thị với vùng quê tuy chỉ cách phố phường một con đường cấp phối (không phải là đường nhựa như trong sách Vũ Ngọc Tiến), là làng quê vẫn ngưng đọng như nghìn năm xưa với những tập tục, lễ nghĩa và cách sống nghĩa tình của vùng quê yên bình ngưng đọng âm vang của làng nghề chậm chạp cổ lỗ, nên thơ “Tiếng chày Yên Thái , măt gương Tây Hồ”. Ở phần “Hoài niệm Thăng Long”, Vũ Ngọc Tiến cố khắc họa theo cách viết gia phả được văn chương hóa qua những kỉ niệm để lộ ra một cách hoài vọng bùi ngùi và không dấu được sự tiếc nuối quá khứ kiểu của người đã ngoại thất thập. 

Hà Nội trong “Hoài niệm” đó đẹp một cách buồn bã để rồi bỗng chốc được làm đà cho sự hài hước và đôi lúc không dấu sự phẫn nộ khi bước sang phần II “Muốn quên một thủa” khi ông kể lại qua kỉ niệm của ông thời ấu trĩ trong quản lý khi Hà Nội bị cuốn vào cơn lốc nghiệt ngã của chiến dịch cải tạo thành thị, nông thôn… Sự xuống dốc của những con người Hà Thành chân chính, thông thái và thạo nghề, thạo sống đối nghịch với những kẻ ngu si, ô trọc gặp thời. Những cảnh đời trớ trêu, sự khốn khó của Hà Thành trong thời bao cấp nghiệt ngã “tự lấy dây buộc chân tay mình” bằng những chính sách duy ý chí, bất chấp tự nhiên, bất chấp lẽ sống, lẽ làm người. Những “bà Tuyết phe”, “Thằng Tâm sứt”, “Bôn tây”… hiển hiện lên những lớp người Hà Nội vẫn mang nặng lối sống cổ truyền Hà Nội buộc lòng phải vứt bỏ dần để tìm cho mình một cách sống, cách xử thế phù hợp với sự thay đổi của thời thế.

Đọc hết phần hai, với kinh nghiệm của kẻ cầm bút, tôi nghĩ tưởng cuốn sách về Hà Nội này Vũ Ngọc Tiến sẽ kết cấu theo cấu trúc bốn chương của một bản giao hưởng, nhưng tôi đã lầm. Tiến đã chuyển ngay sang phần ba với những lắng đọng của hai phần trước được ông khôn khéo dìm sâu vào những “Trăn trở hôm nay”. Vẫn những con người Hà Nội cổ mang cốt cách Hà Thành một thủa như nàng Mỹ Linh –Việt Kiều, Hải “Chichomex”, nhà văn Lê Mai… nhưng môi trường của một Hà Nội sau thời bao cấp hà khắc và phi lý đã chuyển sang thời kì từng bước vắt sang cơ chế mang nặng cơ cấu thị trường với tất cả sự xấu tốt đã nhào nặn, rèn rũa họ. Đáng buồn thêm vì bản tính con người trong giai đoạn này, cái xấu đang dần lấn át cái đẹp của người Hà Nội nguyên sơ. 

Ở hai phần trên, tôi đã lờ mờ nhận ra chủ ý của Vũ Ngọc Tiến muốn trách móc ai đó vì mục tiêu nào đấy đã làm mất đi một Hà Nội thanh bình, thanh lịch với những lớp người Hà Thành duyên dáng lịch sự, để sống phù hợp đã tự thay đổi theo chiều hướng tồi tệ. Đến phần ba này, với sự trăn trở thì chủ ý này đã hiện lên một cách rõ rệt không né tránh. Sự băng hoại, xuống dốc trong nhân cách của đại gia Đại Vĩ, hay sự nổi loạn bất ưng của cô Việt kiều Mỹ Linh… là sự lên án tuy thầm lặng mà rất nghiêm khắc, quyết liệt thủ phạm không được đặt tên đã tạo ra sự băng hoại đó.

Vũ Ngọc Tiến có sở trường viết tiểu thuyết lịch sử bằng sự uyên bác và trí tưởng tượng phong phú. Còn với “Hà Nội và tôi” ông lại nổi lên ngón nghề khá thành thạo của một nhà báo sắc sảo và một tay viết ký có chiều sâu. Nhưng kể cả viết tiểu thuyết lịch sử hay viết báo thì một điểm mạnh trong tư duy và bút pháp của nhà văn kẻ Bưởi này là sự chỉn chu, cẩn trọng trong từng câu chữ, từng tư liệu. Khi tung hoành với bản ngã của một nhà báo, Vũ Ngọc Tiến phát huy được lợi thế lấy tài liệu kĩ, trên cơ sở đó ông nhào nặn và điều tiết tư liệu theo cách nghĩ, cách nhận định của mình. Tôi rất chịu sự lành nghề trong cách lấy tài liệu và cách thể hiện mang tính phát hiện báo chí ở bài viết “Làm gì cho Hà Nội mở rộng”. “Hà Nội và tôi” thuyết phục được lý trí người đọc ở tư liệu báo chí, lại gợi mở và tạo suy tư cho người đọc ở chất hồi kí cùng tư duy với tác giả khi ông viết về những kí ức, kỉ niệm. Chỉ duy “Ngoại tình ở tuổi năm mươi” thì là sự hòa trộn của lối viết kĩ, sự nhuyễn trong cách thể hiện bởi tư liệu nắm bắt đã nằm lòng cùng cách viết tiểu thuyết đã biến bài viết này giống như một truyện ngắn mang tính ngôn tình dễ đọc. Lời cuối của kẻ viết bài này là cảm thấy hơi lạ bởi một chi tiết trong câu chữ. Vũ Ngọc Tiến là nhà văn Hà Nội cẩn trọng vậy mà khi viết về mẹ lúc mang thai ông lại dùng từ “mang bầu” khiến một kẻ viết văn Hà Nội như tôi không ưa viết tiếng địa phương thay cho tiếng Hà Nội - tiếng phổ thông chuẩn trong khi nói, khi viết cảm thấy như đang ăn cốm Vòng chuẩn điếng răng vì viên sỏi ( trang 30).   

 Quỳnh Mai 6/8/2020 

 Nhà văn Nguyễn Hiếu

 

Lời bình của Nhà văn - Nhà phê bình, PGS.TS Ngô Văn Giá

GHI NGẮN VỀ “HÀ NỘI VÀ TÔI” CỦA VŨ NGỌC TIẾN

1.Cuốn sách gần 300 trang, gồm ba phần, tổng cộng 24 tác phẩm, được tác giả gọi là truyện ký. Có cái thuần ký, như bài báo. Có cái thuần truyện. Nhưng phần lớn, đúng là truyện ký. Ký là cái phần ghi chép rất thực về nhân vật, về thời thế xung quanh. Truyện là cái phần có nhân vật, có tính cách, có câu chuyện để kể, có những chi tiết “bịa” của một tay nghề văn xuôi thâm hậu. Trong truyện ký lại có cái già ký non truyện, có cái già truyện non ký. Không sao, miễn là hay, đọc hấp dẫn. Hầu như cái nào trong tập đọc cũng mặn mòi. 

2.Trong không ít tác phẩm, có một loại nhân vật xuất hiện khá nhiều mà tôi gọi là người mang trong mình một trạng thái “phẫn”, tức là mang cái khối phẫn nghẹn, phẫn uất, đến lúc không chịu được, cứ thế mà vùng lên, tuông ra vượt thoát. Họ mang cái khối bi phẫn ấy do bị hiểu lầm, do bị vùi dập, do tai ương “họa vô đơn chí”, do chẳng gặp may, do hồn nhiên nghệ sĩ…Mỗi người một phận.

Và cái đích đến, mỗi người mỗi khác. Có kẻ vào tù. Có người thành đạt. Có kẻ đại gia. Có người quan chức. Người ở lại trong nước. Người thoát ra nước ngoài…Có người vàng vạn hộc mà vẫn bơ vơ. Có kẻ sống đời an bần mà giữ lấy nếp nhà…

Vũ Ngọc Tiến rất thích loại người phẫn này. Có người phẫn chí như nhà tư sản Mỹ Bảo, một thứ phẫn chí của lòng tự tôn dân tộc, để mà vươn lên làm giầu chứ quyết không đi làm thuê cho các ông chủ nước ngoài. Có người phẫn uất mà thành “Vua Tù” như Bôn Tây. Có những nhân vật đang sống yên sống lành rồi bị tịch thu nhà cửa, bị người nhà nước lừa, bị cấm đoán nghi kỵ đủ thứ…cũng quyết sống, phải sống một cách ngạo nghễ. 

Cũng có một loại nhân vật nữa, đó là những người phụ nữ. Có khi họ là những người đàn bà phố xá, sinh ra để gìn giữ nếp nhà, chăm lo chồng con, nuôi dạy con cái nên người, chịu đựng hy sinh vô kể. Họ hao hao như nhân vật người cô trong “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải: đảm đang, nghị lực, mềm mại, tinh tế, cốt cách. Họ sinh ra để âm thầm lưu giữ những nét gấm hoa của văn hóa Kinh kỳ, văn hóa Việt….Có khi họ lại là những nhân vật ngang tàng, quyết liệt giữa chợ đời bát nháo, bị sỉ nhục, bị cướp đoạt. Rồi cuối cùng họ chết để quyết không bị miệng lưỡi cay độc của thói đời lăng nhục (Bà Tuyết Phe). Hoặc có trường hợp vào tù ra tội, quyết làm giầu, rửa hận, cuối cùng vẫn thèm một cái cầm tay yêu thương thực lòng…Khi viết về các nhân vật người nữ, Vũ Ngọc Tiến để vào đó rất nhiều yêu thương, che chở. Ngay cả những nhân vật lầm đường lạc lối, nhà văn chỉ có nâng đỡ chứ không hề có bóng dáng của sự khinh khi.

Trong những trang văn viết về người phụ nữ, tác phẩm “Mẹ tôi” tuy ít lời thôi nhưng hiện lên chân dung một người mẹ lớn lao mà bình dị, vô cùng cốt cách, dào dạt nhân từ. Nhưng ai có mẹ già, nhất là mẹ đã qua đời, khi đọc tác phẩm này, lòng nghèn nghẹn bao nỗi xót thương.

3. Vũ ngọc Tiến chủ yếu viết về ký ức, phục hiện ký ức trong mối liên hệ với đời sống hôm nay. Anh có trí nhớ thật cao cường,  tỉ mỉ, kỹ lưỡng, chân thực về những năm tháng đã qua. Một Hà Nội sau 1954. Một Hà Nội trong cơn bão cải tạo công thương, đàn áp tư sản. Một Hà Nội trong những năm bom Mỹ. Và Hà Nội trong cơn trở dạ để đổi mới sau năm tám sáu…Trong những cơn tao loạn triền miên của đời sống, vẫn cứ hiện lên một chất người Hà Nội, những giá trị cốt lõi mà Hà Nội gìn giữ, còn mãi, kim cương bất hoại. 

Nhà văn moi móc trong ký ức ra ngồn ngộn tư liệu sống động, trong đó có những câu chuyện, chi tiết cực thực, khốc liệt. Cái chuyện nhân vật bà phe Tuyết làm tình với chó rồi treo cổ tự tử đã gây ám ảnh mạnh mẽ. Những pha phân ngôi tranh giành quyền vua tù thật dữ dội. Một bà chủ hiệu nhuộm Ích Thái danh tiếng một thời, giờ đêm đêm tập gánh mỗi bên 10 viên gạch những mong sao được thu nạp vào hợp tác xã giặt là để mưu sinh…Khi sử dụng chi tiết, ngòi bút của một nhà tiểu thuyết đã tham gia vào việc chọn lựa, xếp đặt, miêu tả khéo léo làm dậy lên các lớp nghĩa và cảm xúc không ngờ, đầy dư vị.

Thêm một quyển sách về Hà Nội một thời khốn khó nhưng vẫn mãi hào hoa…Chúc mừng nhà văn Vũ Ngọc Tiến!

Ngày mưa Hà Nội, 17.8.2020

VG

Một chia sẻ của độc giả Đặng Văn Sinh

“HÀ NỘI VÀ TÔI”, HOÀI NIỆM THĂNG LONG, NỖI BUỒN NHÂN THẾ...

Tôi quen mới quen biết Vũ Ngọc Tiến vài năm nay nhưng đọc của ông thì từ lâu rồi, chí ít là tập “Rồng đá” với ba truyện ngắn quỷ khốc thần sầu: “Chù Mìn Phủ và tôi”, “Âm bản chiến tranh” và “Vị phồn thực”. Đó là chưa nói đến tiểu thuyết “Quỷ vương”, một tác phẩm khiến nhà văn Hà Nội chính gốc được liệt vào danh sách... phải thường xuyên “chăm sóc”.

Nhưng đến “Hà Nội và tôi” thì khác. Cuốn sách dày ba trăm trang do nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép, lại đích thân giám đốc tổng biên tập Nguyễn Quang Thiều viết lời giới thiệu như một sự đảm bảo bằng vàng, nên đương nhiên được phát hành bình thường. 

Cái khác ở “Hà Nội và tôi” không phải ở bút pháp. Bởi lẽ, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, dù là truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự hay văn chính luận, Vũ Ngọc tiến bao giờ cũng đẩy ngòi bút đến tận cùng, dữ dội, thậm chí cực đoan, mà là ở cách ông tìm về quá khứ, khai mở ký ức đem đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc khác nhau về một Hà Nội thanh lịch, tử tế xứng đáng là đất Thăng Long ngàn năm văn vật nhưng dường như... một đi không trở lại.

Dưới con mắt Vũ Ngọc Tiến, Thăng Long chỉ còn là hoài niệm, một thứ “phú quý giật lùi”, do những biến động xã hội đã trở thành quá vãng.

Theo thiển ý của chúng tôi , “Hà Nội và tôi” là tập truyện ký, mà ở phần “Hoài niệm Thăng Long”, Vũ Ngọc Tiến sử dụng hồi ức như một biện pháp ẩn dụ ngầm so sánh quá khứ với hiện tại để chứng minh sự suy thoái của một nền văn hóa đất Kinh Kỳ do chính con người gây ra một cách có ý thức. Muốn xây dựng được giá trị sống tốt đẹp một dân tôc phải mất đến vài thế hệ vun trồng, bồi đắp, nhưng hủy hoại nó lại rất nhanh, có khi chỉ cần một cuộc chiến tranh ý thức hệ, một cuộc “cách cái mạng nó đi” là tất cả lại trở về điểm xuất phát. Khi ấy con người sẽ hành xử với nhau theo một chuẩn mực khác, có thể lành mạnh hơn, nhưng phần nhiều là dốt nát, hãnh tiến hơn, vô đạo đức nhưng đầy quyền lực bởi phông văn hóa mỏng và thừa thói hợm hĩnh, kiêu ngạo. Cụ đồ Vũ Duy Huệ trong “Đạo học người Hà Nội xưa” hay ông “vua tơ tằm Đông Dương” trong “Chuyện doanh nhân Mỹ Bảo” là hai minh chứng rất có sức thuyết phục cho phong cách sống mẫu mực của người Hà Nội: trung thực, tín nghĩa, thủy chung như nhất. Vậy thì câu hỏi đặt ra phía sau những trang “hoài niệm” ấy là, vì sao ngày trước người Thăng Long có nếp sống đẹp qua sự tôn sư trọng đạo, giữ gìn chữ tín và ứng xử với nhau tình nghĩa đến như vậy? Rằng vì cơn cớ gì mà phong hóa người Hà Nội xuống cấp đến mức thảm hại khiến cho ngay cả những cư dân gốc gác Thăng Long xưa, sau mấy chục năm ăn nhờ ở đậu xứ người, giờ trở về thấy mình lạc lõng giữa một thành phố xa lạ nhếch nhác?

Hà Nội một thời được xem như mẫu mực của văn hóa phương Đông. Sau khi người Pháp sang khai hóa, Thăng Long với tư cách là thuộc địa nhưng chỉ mấy chục năm đã trở nên một thành phố sầm uất với những khu phố Tây, cầu Doumer, phủ Toàn Quyền, Nhà Hát Lớn và hàng loạt công trình kiến trúc hoành tráng, là niềm tự hào mà các quốc gia trong khu vực không dễ gì có được. Trí thức Tây học xuất hiện ngày càng nhiều cùng với trí thức Hán học trong lòng xã hội phong kiến nửa thuộc địa đang trên đường Âu hóa, nhưng có điều lạ là, người Hà Nội vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. 

Văn hóa cộng đồng tồn tại là bởi sự tích hợp từ những hạt nhân của nó mà quan trọng nhất văn hóa gia đình, dòng họ. Một khi các nấc thang giá tri thay đổi hoặc đổ vỡ tất yếu văn hóa cộng đồng sẽ băng hoại. Vì thế, ở một mức độ nào đó, ta có thể xem, “Hà Nội và tôi” là cuốn sách viết “Lời ai điếu” cho một nền văn hóa đang chết lâm sàng nếu những nhà quản lý ở cấp vĩ mô không có ngay biện pháp chấn hưng. Cứ nhìn vào bố cục tác phẩm, người đọc dù vô tâm đến mấy cũng nhận ra, sự xuống cấp của các giá trị sống Thủ Đô cứ tiệm thoái dần theo những biến động xã hội qua ba tiêu đề: HOÀI NIỆM THĂNG LONG, MUỐN QUÊN MỘT THUỞ và TRĂN TRỞ HÔM NAY. 

Ở phần “Hoài niệm Thăng Long”, giống như thời kỳ trầm tích những giá trị căn bản, tốt đẹp nhất bởi kỷ cương xã hội được thiết lập và duy trì trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Người Kinh Kỳ khi ấy, dù là anh phu xe hay chị sen cũng đều giữ cho mình nhân cách tốt đẹp, biết thế nào là liêm sỉ và trọng danh dự. Các thanh viên  xã hội luôn ứng xử với nhau theo chuẩn mực trên ra trên, dưới ra dưới, mỗi cá nhân đều biết rõ vai trò và chức phận của mình nên xã hội không động loạn. Chính vì thế, khi đọc truyện “Mẹ tôi” hay “Hai người đàn bà bán muối”, lòng ta chợt rưng rưng, rồi trong tâm khảm tự nhiên mong ước bao giờ cho đến ngày xưa? Đương nhiên, một cộng đồng dân cư, có tốt đẹp đến mấy cũng không thể loại bỏ hết những thành phần bất hảo, nhưng ngay cả bà Phúc Toàn, một phụ nữ “rách giời rơi xuống” mà vẫn phải chịu sự ràng buộc của luật tộc, phải nhiều năm sau mới dám lén lút về làng cho dù bà ta là chủ hiệu  thuốc bắc ở khu ba mươi sáu phố phường. Đọc đến “Một người Hà Nội đi kháng chiến”, ông Y, toàn tâm toàn ý phục vụ chế độ mới, từng làm đến trưởng ty kinh tế, vậy mà sau giải phóng Thủ Đô, bỗng nhiên thành kẻ vô gia cư. Như một phản xạ tự nhiên, tôi nghĩ ngay đến nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Gia đình ông đã hiến mấy ngàn lượng vàng cho chính phủ kháng chiến. Khi đất nước yên hàn, vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ muốn xin lại một trong nhưng ngôi đã bị chiếm dụng, vậy mà sau mấy chục năm, những quan chức chính phủ có thẩm quyền vẫn chỉ hứa suông, đến nỗi, một đêm, người con trai phải cõng mẹ “đột nhập” vào ngôi biệt thự như là kẻ trộm...

Vẫn phải nhắc lại “Hai người đàn bà bán muối”. Bà Ích Thái và chị Chanh tuy ở hai đẳng cấp khác nhau, hoàn cảnh xã hội khác nhau nhưng đều có chung một triết lý sống đẹp của phong hóa đất Kẻ Chợ. Người đàn bà chủ sạp vải nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, sau chính sách cải tạo công thương mất sạch cơ nghiệp, chọn nghề bán muối vào dịp áp tết để ngạo đời: “Ơ hay! Sao ông không ăn mà lại nhìn tôi mà khóc? Còn gì là Tết! Ngày xuân... Giữa đời lạt tình tôi đi bán cái mặn mòi. Giữa cái nhộn nhạo, tôi đi rao mời quả phúc. Vui quá đi chứ. Buồn cái nỗi gì” (tr.62). Và đây nữa, một sự so sánh của người nữ doanh nhân khiến những ai đó có lương tri phải mủi lòng: “Tôi đi bán cái mình dư dả cho người đang khao khát, lãi lắm cả nhà ơi! Có mấy tiếng đồng hồ, thu lãi bằng nửa năm lương làm ở tổ hợp tác, can cớ gì phải sĩ diện”... (tr.62) 

“Muốn quên một thuở” có thể xem là giai đoạn đệm, chuẩn bị cho một sự đổ vỡ trên quy mô lớn bằng cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp và phong trào hợp tác hóa đẩy đất nước vào cơn khủng hoảng trầm trọng. Có thể thấy rất rõ, cuộc cải cách ruộng đất cũng như cải tạo công thương nghiệp là một cú đòn trời giáng vào miền Bắc Việt Nam nói chung và không gian Hà Thành nói riêng làm cho mọi trật tự xã hội bị đảo lộn, trong đó, những điền chủ lương thiện, những nhà doanh nghiệp chân chính bị phá sản trở thành kẻ trắng tay, còn bọn lưu manh, vô học nghiễm nhiên  nên ông nọ bà kia. Vết thương chí mạng ấy hằn sâu vào ký ức cộng đồng, kéo dài nhiều thế hệ, cho đến ngày nay có vẻ như vẫn còn rỉ máu.

Một nhà triết học Hy Lạp cách đây hơn hai ngàn năm từng nói, chính phủ nào công dân ấy. Hẳn là, không bao giờ một chính phủ loại ba mà lại có công dân thượng đẳng. Cũng bởi những “biến động nhân gian” theo chiều hướng tiêu cực như vậy mới đẻ ra tầng lớp “Bình cá gỗ”, “Bà Tuyết phe”, Tâm sứt hay Bôn Tây. Họ là sản phẩm của xã hội, khi bị những chính sách trái quy luật áp đặt, không còn đường sống, bắt buộc phải tìm cách “phá rào” theo phương châm “to be or not to be” mà Hamlet từng triết lý trong vở bi lịch cùng tên của văn hào W. Shakespeare. 

Văn hóa Tràng An một thuở đã bị thay thế bằng văn hóa công nông. Và một khi thứ văn hóa nặng mùi đấu tranh giai cấp mà nội hàm của nó là chuyên chính vô sản và chủ nghĩa lý lịch thì “thôi rồi, Lượm ơi!”.

Cho nên, Việt Nam mới có một thời kỳ đói dài đói rạc, thậm chí phải ăn cả thứ lương thực chỉ dành cho gia súc. Hạt bo bo là một trong số đó. Giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Và cũng chính ở vào cái giới hạn mong manh của “to be or not to be” ấy, đã nảy sinh những bộ óc thông minh muốn cải tạo hoàn cảnh, khiến không ít người thân bại danh liệt hay mắc vòng lao lý. Họ giỏi giang, không chấp nhận cảnh đói nghèo, đi trước thời gian, tạo nên những chiều kích tác động không nhỏ vào nền kinh tế kế hoạch hóa của hệ thống học thuyết không tưởng chỉ đưa con người đến cảnh bần cùng. Bôn Tây, Ba Toác, Hải “Chichomex” là những trường hợp điển hình trong số đó. Với Bôn Tây thì chỉ có nghề đi tù mới tìm thấy tự do, còn Ba Toác, xuất hiện vào lúc tình trạng xã hội bế quan tỏa cảng đã tương đối cởi mở nên chớp thời cơ làm giầu bằng xảo thuật “lách luật”. Và rồi sau 23 năm nhìn lại, chính nhân vật nổi tiếng một thời đã khiến tác giả rút ra kết luận: “Có lẽ cần phải cảm ơn Ba Toác bởi qua nó, tôi mới ngộ ra những nhân vật ngày ấy của mình chỉ dừng ở mức tỷ phú tiền Việt. Họ giàu phất lên nhờ làm ăn theo kiểu móc ngoặc và lách luật, nhưng so với lứa tỷ phú tiền đô bây giờ thì họ vẫn chỉ là thứ làm ăn cò con, góp phần hình thành tầng lớp trung lưu mới ở Hà Nội giàu mà đa số mỏng học” (“Cùng Ba Toác viết lại câu chuyện cũ”, tr.173). Tuy không nói thẳng ra, nhưng bạn đọc ai cũng ngầm hiểu, cái gọi là móc ngoặc, lách luật ấy chính là những doanh nghiệp núp bóng tư nhân nhưng thực ra lại là sân sau của những ông lớn có chức có quyền nhiều khi khuynh đảo cả nền kinh tế đang ở giai đoạn tiền tư bản. Và có lẽ, cũng chính một mô hình xã hội với cách điều hành bất thường so với phần còn lại của thế giới như thế nên mới xuất hiện những hiện tượng như Mỹ Linh. Từ con gái nhà lành, “trải qua một cuộc bể dâu”, nhờ ơn mưa móc của  những “thằng bán tơ” thế kỷ XX, nàng tiểu thư khuê các biến thành nữ tướng cướp xăm trổ đầy mình, trả thù đời, một trong số đó là gã bảo vệ trường mù chữ sắp chết đói do lòng thương người của cụ thân sinh cưu mang. Cho dù sau mấy chục năm, trở thành nữ doanh gia tài năng, lại được thừa kế một gia sản lớn ở Pháp, Mỹ Linh vẫn khao khát một tình yêu đích thực, muốn được người đàn ông xứng đáng là bậc mày râu đầu đội trời chân đạp đất vuốt ve âu yếm. Thế mới biết, cho dù bị một xã hội bất lương chà đạp, mất hết niềm tin, nhưng trong nơi sâu thẳm tâm hồn  một con người có gốc gác Thăng Long, được hưởng thụ nền giáo dục tử tế của các bậc sinh thành, vẫn còn đủ lương tri trở lại làm người. 

Tuy nhiên, “Hà Nội và tôi” không phải không có những con người tốt đẹp giữa lúc nhân tình thế thái chao đảo. Chuyện ông giám thị trại tù, bằng tấm lòng   nhân ái đã cảm hóa được bao nhiêu phạm nhân trở thành người lương thiện cũng đáng để cho ta phải suy nghĩ. Giá như, trên đời này có nhiều những cai tù giầu lòng vị tha như thế thì xã hội bớt đi biết bao kẻ tội đồ. Ngày nay, cứ mỗi khi mở báo ra đọc, là lại thấy tức mắt bởi những cái title “cướp, giết, hiếp” lan tràn trên các tờ lá cải câu khách. Vì sao một xã hội được mệnh danh là tốt đẹp nhất, đáng sống nhất mà lại lắm tệ nạn xã hội thế nhỉ?

Có lẽ vì vậy, Vũ Ngọc Tiến mới đặt cho phần ba của cuốn sách “Trăn trở hôm nay” chăng?

Bến Tắm, đầu tháng cô hồn, năm Canh Tý

Đ.V.S.

 

 

Chất lượng hàng đầu
Chất lượng hàng đầu

Cam kết tất cả sản phẩm chính hãng 100%

Giao hàng siêu nhanh
Giao hàng siêu nhanh

Chúng tôi cam kết giao hàng trong 24h

Mua hàng tiết kiệm
Mua hàng tiết kiệm

Giảm giá & khuyến mại với ưu đãi cực lớn

Hỗ trợ online 24/7
Hỗ trợ online 24/7

Gọi ngay 0984516313 để được tư vấn

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

 
Lỗi giao diện: file 'snippets/ozui_script.bwt' không được tìm thấy